Chế tạo ống mềm chịu lực từ cao su composite

Từ trước tới nay ở Việt Nam, phần lớn ống mềm cao su chịu lực dùng cho các tàu thuyền nạo vét sông biển đều phải nhập ngoại với chi phí giá thành rất cao, gây tốn kém cho các doanh nghiệp.

 Từ trước tới nay ở Việt Nam, phần lớn ống mềm cao su chịu lực dùng cho các tàu thuyền nạo vét sông biển đều phải nhập ngoại với chi phí giá thành rất cao, gây tốn kém cho các doanh nghiệp. Thành quả suốt ba năm ròng miệt mài làm việc, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được vật liệu cao su mới Blend có tính năng cơ lý thích hợp, bền dầu mỡ trên cơ sở cao su tự nhiên biến tính...

Vật liệu mới này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để chế tạo các loại ống mềm cao su dùng trong nạo vét sông biển và một số sản phẩm cao su khác có yêu cầu tính năng cơ học cao, bên trong môi trường dầu mỡ; hoàn thiện thành phần đơn vật liệu cao su tự nhiên biến tính với một số loại cao su tổng hợp khác như CR, EPDM có tính năng cơ lý, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trên cơ sở đó xây dựng được quy trình công nghệ thích hợp để sản xuất các loại ống mềm cao su chịu lực cho tàu nạo vét sông biển.
Mặc dù công nghệ được nghiên cứu hoàn thiện và chính thức công bố chưa đầy một năm nhưng nó đã sản xuất và cung cấp cho các đơn vị sản xuất gần 400 loại sản phẩm ống đẩy chịu áp lực các loại và 30 sản phẩm ống hút chịu lực các loại, mang lại doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Điều đó phần nào khẳng định được sự quan trọng và tính cần thiết của sản phẩm này đối với các đơn vị sản xuất cũng như nạo vét đường sông, biển ở Việt Nam.
Do thời điểm mới đi vào sản xuất thử nghiệm, giá nguyên liệu đầu vào, nhất là cao su tự nhiên đã tăng đột biến tới 200% mà giá bán sản phẩm ra thị trường không tăng nên dự án hầu như chưa có lãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học thì công nghệ mới này sẽ rất có triển vọng vì nhu cầu trong và ngoài nước sử dụng các sản phẩm ống đẩy, hút chịu áp lực trong nạo vét sông biển là rất lớn.
Ngay sau khi nghiên cứu thành công, công nghệ đã được triển khai ứng dụng tại Công ty CP cao su-nhựa Hải Phòng và được đánh giá cao, đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của ống cao su dùng trong nạo vét. Hiện nay, các loại ống mềm cao su chịu áp lực này đã và đang được ứng dụng ở hầu hết các công trình nạo vét sông, biển trên phạm vi cả nước và trở thành một công cụ hữu hiệu cho các đơn vị. Nó đã trở thành sản phẩm chính của Công ty cao su-nhựa Hải Phòng và mang lại doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.
Công nghệ chế tạo ống mềm cao su chịu áp lực không chỉ có giá trị về mặt khoa học, công nghệ mà đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất kinh doanh cũng như ý nghĩa xã hội, bảo vệ môi trường.
PGS, TS Đỗ Quang Kháng - Chủ nhiệm đề tài - khẳng định: Việc đưa kết quả nghiên cứu vật liệu và công nghệ này vào thực tế đời sống sản xuất từ nguyên liệu cao su thiên nhiên sẵn có trong nước đã làm giảm rất nhiều chi phí nhập khẩu thiết bị sản phẩm kỹ thuật, tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu USD mỗi năm khi phải đầu tư mua các sản phẩm ống mềm cao su chịu áp lực từ nước ngoài để phục vụ cho công tác nạo vét, khơi thông đường sông biển.
Mặt khác, việc tổ chức đưa công nghệ vào ứng dụng trong nước để sản xuất các loại sản phẩm đủ cung cấp cho nhu cầu nội địa, dần tiến tới xuất khẩu sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị ngành nạo vét sông, biển cũng như ngành trồng trọt, chế biến nguyên liệu cao su thiên nhiên có thể chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người lao động, tăng thu kinh tế.
Công nghệ này đã được Hội đồng khoa học quốc gia đánh giá cao bởi những đóng góp mới về khoa học, khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất lớn và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Công trình cũng đã được trao giải nhì Giải thưởng KH-CN Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu mới.
Nguyễn Văn Thái (Theo Hiệp Hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh